Kết quả bước đầu trong sử dụng chế phẩm sinh học trên cây rau màu tại Xuân Điểm

15 tháng 1, 2021
Những năm gần đây, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện xuống cơ sở và các cơ quan chuyện môn của tỉnh, của huyện thường xuyên quan tâm đến công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật...

Những năm gần đây, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện xuống cơ sở và các cơ quan chuyện môn của tỉnh, của huyện thường xuyên quan tâm đến công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho nông dân. Thông qua việc xây dựng các mô hình, các lớp tập huấn, ngày càng có nhiều nông dân áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập trên một diện tích canh tác. Không ít người luôn mong chờ được tiếp cận với những kiến thức mới trong thâm canh. Vì vậy, khi đề tài nghiên cứu "Ứng dụng của chế phẩm sinh học Endophyte và một số chế phẩm sinh học khác trong sản xuất nông nghiệp tại huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên" được triển khai thực hiện ở thôn Xuân Điểm (xã Hưng Đạo), nhiều người dân trong thôn đã hào hứng tham gia.

Đề tài "Ứng dụng của chế phẩm sinh học Endophyte và một số chế phẩm sinh học khác trong sản xuất nông nghiệp tại huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên" do một nhóm cán bộ, giảng viên Khoa Lâm học (Trường Đại học Lâm nghiệp) triển khai thực hiện. Được sự đồng ý của huyện và chính quyền địa phương, nhóm nghiên cứu đề tài đã lựa chọn nhiều khu đồng để thực nghiệm theo phương pháp đối chứng trên một số cây rau màu vụ đông như dưa chuột, cà chua, đỗ xào, bí đỏ, bắp cải, su hào của 11 hộ nông dân ở thôn Xuân Điểm. Trong mỗi thửa ruộng, các cán bộ nghiên cứu trực tiếp cấp các chế phẩm sinh học và hướng dẫn các gia đình sử dụng ở diện tích từ 50 mét vuông đến 2 sào. Cây rau màu ở phần ruộng còn lại không dùng chế phẩm, làm cơ sở cho việc đánh giá, so sánh sau này. Ở thôn Xuân Điểm, nhóm nghiên cứu đề tài sử dụng 5 loại chế phẩm sinh học dùng để phun, tưới cho cây rau màu là: Endophyte, Bioplant plus, Bioplant plora, GUMI – 30, Boro Gum. Chị Nguyễn Thị Dung – một thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết: các chế phẩm sinh học này tuy có tác dụng khác nhau nhưng đều giúp cho cây khỏe, hạn chế sâu bệnh, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, quả to, đều, đẹp. Trong đó, Endophyte có tác dụng đánh thức các nấm nội sinh bên trong cây trồng, kích thích ra rễ, nảy mầm mạnh, nhiều chồi nhánh. GUMI – 30 tưới gốc không chỉ làm cho cây hấp thụ phân bón nhanh, hiệu quả mà còn cải tạo đất (đất tơi xốp, tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển, tăng độ mùn …). Ngoài ra, sử dụng chế phẩm sinh học còn góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường so với sử dụng các loại thuốc hóa học.  

Một ngày cuối năm 2020, chúng tôi cùng cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và nhóm nghiên cứu Đề tài "Đánh giá hiệu quả của chế phẩm sinh học Endophyte và một số chế phẩm sinh học khác đối với cây hoa màu và đất" đã có dịp gặp gỡ, trao đổi với một số nông dân đang sử dụng các loại chế phẩm này cho cây vụ đông. Tại cánh đồng Quán, bà Nguyễn Thị Là cho biết: gia đình bà có 7 luống dưa chuột với tổng diện tích 1,2 sào. Bà và nhóm nghiên cứu dùng chế phẩm Endophyte, Bioplant plus và Boro Gum phun 2 lần, tưới GUMI – 30 2 lần cho 2 luống. 5 luống dưa còn lại không sử dụng chế phẩm. Theo bà Là, ở 2 luống phun, tưới chế phẩm sinh học, dưa ra hoa rộ, tỷ lệ đậu quả tăng khoảng 30% so với các luống khác; quả nhanh lớn, bóng, đẹp hơn. Ở thửa ruộng gần đấy, ông Đào Văn Quyết tỏ rõ sự phấn khởi khi dùng chế phẩm sinh học của nhóm nghiên cứu cho ruộng bí đỏ. Trong vụ đông 2020 – 2021, gia đình ông trồng 7 sào bí tại cánh đồng Quán. Được sự hỗ trợ của nhóm nghiên cứu, gia đình ông sử dụng chế phẩm Endophyte và một số chế phẩm khác phun, tưới cho 2,5 sào. Lần phun đầu tiên vào ngày 20/11/2020 khi bí của nhà ông bắt đầu ra hoa. Sau hơn 1 tháng sử dụng với 5 lần phun, 3 lần tưới, kết quả thực nghiệm tại ruộng nhà ông thật đáng mừng. Ông Quyết cho hay: đến ngày 27/12, trên diện tích 2,5 sào, gia đình ông thu được 2 triệu 800 nghìn đồng tiền bí; 4,5 sào còn lại chỉ thu được 1 triệu 400 nghìn đồng.

Đến cánh Cửa Chùa thăm ruộng của bà Đào Thị Tâm, dễ dàng nhận thấy cà chua của nhà bà cao vượt lên hẳn so với ruộng cà chua của hộ bên cạnh được trồng cùng một thời điểm. Cùng một giống nhưng cà chua nhà bà Tâm lá to, xanh, sai quả, mã đẹp hơn, đặc biệt là rất nhiều hoa. Bà Tâm là người có nhiều năm trồng cà chua trong vụ đông nên không khó để đánh giá về chế phẩm Endophyte và một số chế phẩm sinh học khác do nhóm nghiên cứu thực hiện. Ruộng của nhà bà đã phun 6 lần, tưới gốc 2 lần các chế phẩm. Trò chuyện với bà Tâm, chúng tôi được biết, hiện tại, mỗi ngày từ 1,2 sào cà chua, bà thu khoảng 1,2 tạ quả. Sau chưa đầy 1 tháng thu hoạch, gia đình bà đã bán được gần 6 triệu đồng. Từ thực tế sản xuất của gia đình, bà Tâm so sánh: dùng chế phẩm sinh học trên cây cà chua, năng suất tăng từ 20% đến 30%. Trong những ngày cuối năm có sương muối, cà chua bị rụng quả nhiều nhưng ruộng nhà bà quả rụng không đáng kể, sâu bệnh cũng ít hơn. Bà Tâm vui vẻ cho biết, bà rất "mê" các chế phẩm này và mong muốn nhóm nghiên cứu đề tài tiếp tục sử dụng chế phẩm cho 2,5 sào nhãn, bưởi, ổi của gia đình.

 Cùng chung nhận xét với bà Đào Thị Tâm, ông Đào Văn Đổng rất vui khi được nhóm nghiên cứu tiến hành thực nghiệm trên 1 sào cà chua và 1 sào đỗ xào của gia đình. Đưa chúng tôi đi thăm ruộng đỗ rộng hơn 2 sào tại cánh đồng Chằm, ông tỷ mỉ phân tích cho chúng tôi thấy sự khác nhau của cây, của quả ở diện tích sử dụng chế phẩm Endophyte và một số chế phẩm khác so với diện tích đỗ được chăm bón bình thường. Ở 1 sào dùng chế phẩm sinh học, cây đỗ đều, cứng, dày lá, ít sâu bệnh, năng suất cao hơn từ 25% đến 30%. Theo ông Đổng, người sử dụng sản phẩm của nhà ông phản hồi lại là: đỗ xào sử dụng chế phẩm sinh học bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Đổng còn cho biết thêm: cà chua được phun, tưới chế phẩm sinh học hoa nhiều, nở rộ, tỷ lệ đậu quả cao, ít rụng, quả to, đều, đẹp, bóng, cây lại ít sâu bệnh hơn hẳn so với diện tích không sử dụng chế phẩm. Ông Đào Văn Đổng dự định, tới đây, ông sử dụng chế phẩm sinh học phun, tưới cho 1 mẫu nhãn của nhà.

 Từ thực tế sử dụng chế phẩm sinh học Endophyte và một số chế phẩm khác trên cây rau màu vụ đông ở thôn Xuân Điểm do nhóm nghiên cứu của Khoa Lâm học (Trường Đại học Lâm Nghiệp) thực hiện, bước đầu có thể thấy ở những diện tích dùng chế phẩm sinh học đều cho năng suất, chất lượng sản phẩm vượt trội. Nhiều nông dân ở thôn Xuân Điểm mong muốn, trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu tiếp tục thực nghiệm trên một số cây trồng, từ đó đánh giá đúng tác dụng, hiệu quả của các loại chế phẩm sinh học, giúp họ có điều kiện nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật, nhất là những tiến bộ mới trong canh tác để lựa chọn, áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế.

                                                     Nguồn: Thanh Anh- Phó Trưởng Đài phát thanh huyện Tiên Lữ - tỉnh Hưng Yên

                                                       Một số hình ảnh của Nhóm nghiên cứu

Thành viên nhóm nghiên cứu hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây dưa bao tử

Cán bộ  Thôn, Xã  thăm mô hình thử nghiệm chế phẩm sinh học 

Hình ảnh cây cà chua được sử dụng chế phẩm sinh học 

Hình ảnh cây đậu cove được sử dụng chế phẩm sinh học 


Chia sẻ